Quy định khi sử dụng dịch vụ cảng, nhà ga, dịch vụ tiện ích khác tại cảng Sa Kỳ, cảng Bến Đình và cảng Lý Sơn

Thứ năm - 18/04/2024 14:45
1. Đối với tàu thuyền neo đậu, cập cầu, cập mạn tại vùng nước cảng
1.1. Phải được Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cấp phép (lệnh điều động) cho tàu vào, rời cảng hoặc thực hiện theo các chỉ dẫn liên quan của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; đảm bảo thỏa mãn điều kiện an toàn kỹ thuật và bố trí thuyền viên đủ định biên an toàn tối thiểu, phù hợp theo quy định.
1.2. Chấp hành sự giám sát, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật.
1.3. Tàu cập cầu cảng phải theo đúng kế hoạch tác nghiệp, khai thác cầu cảng của Ban Quản lý và phải trên cơ sở nguyên tắc “sắp hàng”; trừ các trường hợp ưu tiên như: Tàu bị nạn, sự cố hàng hải, cấp cứu, hoặc theo lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
1.4. Khi neo đậu, cập cầu, cập mạn trong vùng nước cảng phải thực hiện theo quy định tại Điều 13, Nội quy cảng biển Quảng Ngãi được ban hành theo Quyết định số 58/QĐ-CVHHQNg ngày 30/3/2018 của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi và tuân thủ các quy định tại Quy trình này và Quy trình kỹ thuật khai thác cầu cảng Sa Kỳ của Ban Quản lý.
1.5. Khi tiến hành quay trở hoặc hành trình ra, vào cảng phải tăng cường cảnh giới, sử dụng các phương tiện thích hợp để cảnh báo cho các tàu thuyền khác, tuân thủ các quy tắc phòng tránh đâm va.
2. Đối với phương tiện giao thông đường bộ ra, vào cảng
2.1. Khi ra, vào cổng cảng và lưu thông trong khu vực cảng phải giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe, giảm thấp tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn. Đối với xe ô tô, xe mô tô ba bánh phải dừng lại tại cổng nhận, trả thẻ và quét thẻ từ, thanh toán đủ tiền sử dụng dich vụ bến bãi, dịch vụ khác, khi đó ba-ri-e tự động mở cổng cho xe ra, vào cảng (tại cảng Lý Sơn thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên cảng).
2.2. Phải chấp hành hệ thống tín hiệu, biển báo, chỉ dẫn giao thông và quy định pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; đậu, đỗ xe trong khu vực cảng đúng nơi quy định hoặc theo sự điều hành, hướng dẫn của nhân viên bảo vệ. Không được tự ý đưa phương tiện vào khu vực tác nghiệp nội bộ, cầu cảng để vận chuyển hàng hóa, hành khách, trừ các trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Lãnh đạo Ban Quản lý.
2.3. Lái xe, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa phải thực hiện giao, nhận vận chuyển hàng hóa cho khách hàng đúng Quy trình khai thác cảng; chấp hành sự kiểm soát của Ban Quản lý và việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với hàng hóa được phép vận chuyển. Nghiêm cấm vận chuyển, đưa vào cảng hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
2.4. Lái xe, nhân viên phục vụ theo xe khách không được mời chào khách ở các khu vực: Nhà ga, khu vực tác nghiệp khai thác nội bộ, khu vực cầu cảng, các khu vực cấm khác. Nghiêm cấm các hành động chèo kéo, tranh giành khách, gây mất trật tự trong khu vực cảng.
3. Đối với hàng hóa thông qua cảng 
3.1. Tất cả hàng hóa qua cảng gửi đi tàu khách (trừ hàng hóa, hành lý xách tay của khách đi tàu) phải chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của đơn vị, lực lượng chức năng thông qua hệ thống kiểm đếm, giao nhận, dán mã ký gửi hàng hóa tại bộ phận tác nghiệp làm hàng của Ban Quản lý và được di chuyển trong khu vực nội bộ cảng bằng xe chuyên dùng của Ban Quản lý (xe đẩy, xe trung chuyển nội bộ, xe nâng,…) để đưa lên tàu bảo đảm an toàn.
3.2. Hàng hóa gửi đến bằng tàu khách được giao trả cho người nhận hàng tại kho (vị trí giao nhận hàng) được bố trí trong khu vực cảng. Người nhận hàng có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận đã nhận đủ, đúng và thanh toán cước vận chuyển, cước xếp dỡ. Trường hợp bị mất, thất lạc, hoặc vì lý do nào khác, phải báo ngay với bộ phận chuyên môn của Ban Quản lý để phối hợp với chủ tàu giải quyết .
3.3. Người nhận hàng hóa và gửi hàng hóa không được vào khu vực tác nghiệp nội bộ, cầu cảng để vận chuyển hàng hóa đến tàu hoặc ngược lại. Trừ một số trường hợp đặc biệt được sự thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và Ban Quản lý.
3.4. Chủ hàng, chủ phương tiện khi ra, vào cảng để vận chuyển hàng hóa phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định theo Quy trình khai thác của Ban Quản lý.
4. Quy định việc xếp dỡ hàng hóa
4.1.Việc xếp dỡ hàng hoá trong phạm vi cảng do Ban Quản lý tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và vệ sinh môi trường theo đúng quy định. Trường hợp chủ hàng, hoặc người vận chuyển, hoặc người được uỷ thác muốn đưa người và phương tiện của mình vào cảng, khu vực tác nghiệp nội bộ để xếp dỡ hàng hoá thì phải được sự đồng ý của Ban Quản lý và phải trả các chi phí có liên quan theo quy định.
4.2. Khi xếp dỡ những loại hàng hoá cần bảo vệ đặc biệt, hoặc hàng nguy hiểm thì chủ hàng phải thông báo cho Ban Quản lý biết những đặc điểm của hàng hoá để có những biện pháp xếp dỡ thích hợp; nếu cần thiết chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải trực tiếp hướng dẫn nhân viên làm hàng Ban Quản lý trong việc xếp dỡ hàng hoá đó.
4.3. Chủ hàng không được tự ý đưa phương tiện, lao động bên ngoài vào trong cảng để xếp dỡ hàng hóa hoặc có hành động gây ảnh hưởng, cản trở đến hoạt động khai thác cảng, hoạt động của tàu thuyền và phương tiện khác.
4.4. Đối với Đội công nhân bốc xếp tại cảng
a) Chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy chế của Ban Quản lý và các quy định có liên quan của pháp luật.
b) Tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động; đến cảng làm việc đúng giờ, mang mặc đúng trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động, có bảng tên; bố trí đủ số người làm việc, thực hiện xếp dỡ hàng hóa kịp thời, nhanh chóng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng và chấp hành sự quản lý, điều hành, chế độ báo cáo của Ban Quản lý.
c)Thái độ phục vụ người dân, du khách hàng tận tình, chu đáo.
d)Thu tiền công xếp dỡ đúng Biểu giá dịch vụ được niêm yết tại cảng.
đ) Nghiêm cấm các hành vi: Sách nhiễu, gây phiền hà để vòi vĩnh tiền của khách; lấy tiền dịch vụ xếp dỡ của khách cao hơn giá niêm yết; uống rượu bia trong giờ làm việc, tổ chức chơi cờ bạc hoặc các tệ nạn xã hội khác trong khu vực cảng.
5. Đối với hành khách đi tàu
5.1. Hành khách đi tàu phải mua vé tàu (trừ đối tượng được miễn theo quy định), kê khai thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm tính chính xác thông tin do mình cung cấp khi mua vé; xuất trình giấy tờ tùy thân, cung cấp vé/thẻ lên tàu, quét mã QR tại cửa kiểm soát theo thứ tự xếp hàng.
5.2. Có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng, vệ sinh môi trường; bảo quản và sử dụng dịch vụ tiện ích hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, nhất là việc sử dụng điện, nước, các dịch vụ tiện ích khác trong nhà ga hành khách.
5.3. Không hút thuốc trong khu vực nhà ga hoặc những nơi quy định cấm khác; không được tự ý đi lại ở khu vực tác nghiệp nội bộ, điểm làm việc của cơ quan chức năng; không mang các loại hàng hóa có mùi hôi tanh, cồng kềnh và các loại hàng cấm theo pháp luật vào nhà ga, lên khoang chở khách của tàu.
5.4. Chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; các quy định có liên quan đến sức khỏe, an toàn tính mạng đối với khách đi tàu và các quy định có liên quan khác.
6. Yêu cầu về giữ gìn vệ sinh môi trường
6.1. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác cảng hoặc có liên quan đến hoạt động khai thác có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Nghiêm cấm việc xả chất thải, dầu, nhớt, các chất thải độc hại khác và vứt bừa bãi rác thải, vật dụng như: chai, lọ, túi, gói, thức ăn, nước uống,... trong khu vực cảng, vùng nước cảng biển làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm vệ sinh môi trường.
6.2. Thuyền trưởng, thủy thủ, nhân viên phục vụ trên tàu ngoài việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường còn phải tuyên truyền, hướng dẫn khách đi tàu thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
 

Tác giả: BQLC&CVĐTNĐ

Theo dõi và cập nhật tin tức mới nhất

Các tin tức mới nhất về thời tiết, dịch vụ, giá vé, lịch chạy tàu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây